Đọc Lại Truyện Ngắn "đôi Mắt"
con vẹt biết nói kia, anh cũng chỉ nhìn thấy cái ngố bề ngoài của nó, mà không nhìn thấy cái nguyên cớ đẹp đẽ bên trong. Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản.”
Vậy nếu gọi Đôi mắt là bản tuyên ngôn nghệ thuật, thì trước hết đó là bản tuyên ngôn về lập trường cách mạng, lập trường kháng chiến của lớp văn nghệ sĩ tiểu tư sản quyết tâm từ bỏ những quyền lợi ích kỷ của mình, từ bỏ những thói quen sinh hoạt và nếp tư duy cũ, từ bỏ cả cái nghệ thuật cho là “cao siêu” của mình ngày trước, sẵn sàng nói như nhà văn Độ, làm một “anh tuyên truyền nhãi nhép” nhưng có ích cho nhân dân, cho kháng chiến.
Đôi mắt xét ở phương diện khác, còn đặt vấn đề quan niệm về cái đẹp, về đối tượng của nghệ thuật mới nữa. Phải tìm cái đẹp ở đâu? Theo quan điểm nào? Phải thể hiện nó ra sao? Nam Cao có thể chưa ý thức đựơc đầy đủ lắm, nhưng tác phẩm tự nó đã gợi ra và bước đầu giải đáp những câu hỏi đó.
Tôi vẫn nghĩ rằng, không phải đến Đôi mắt, Nam Cao mới đặt vấn đề “đôi mắt”. Đúng là đến tác phẩm này, nhờ đã giác ngộ cách mạng, ông mới đặt được vấn đề ấy một cách hoàn toàn tự giác. Nhưng qua một số truyện ông viết từ trước Cách mạng tháng Tám, đã thấy ông luôn luôn băn khoăn day dứt về vấn đề ấy: phải biết nhìn người nông dân lao động bằng đôi mắt như thế nào mới thấy được bản chất tốt đẹp cho họ, thường ẩn giấu sau một vẻ ngoài hết sức tầm thường, thậm chí vụng về, thô lỗ nữa. Theo Nam Cao hồi ấy, đôi mắt đó phải là đôi mắt của tình thương. Trong Lão Hạc ông đã viết như thế. Ông còn lấy câu nói này để đề từ cho một truyện ngắn khác của mình: “Người chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ, và nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ.” (Nước mắt – Nam Cao, tác phẩm, tập II) Đúng như thế, ở Nam Cao, nước mắt của tình thương là miếng kính biến hình vũ trụ. Chính nhờ có đôi mắt yêu thương ấy mà nhà văn chẳng những đã nhìn thấy tấm lòng vị tha, xả kỷ của lão Hạc…. mà còn phát hiện ra được cả chất thơ trong trẻo trong tâm hồn tưởng chừng đã hoàn toàn đen độc của Chí Phèo nữa.
Nhưng hồi ấy, tình thương của Nam Cao chỉ mới là thứ tình thương uỷ mị, tiêu cực. Qua “miếng kính” ấy, anh tuy thấy được một số đức tính của người dân nghèo, nhưng dưới ngòi bút của anh, học chỉ là những con người bé nhỏ, bất lực. Và giọng văn của anh thì như anh thường thốt lên – “Chao ôi là buồn!”. Trong Nhật ký ở rừng, Nam Cao đã tự phê phán như thế. Ở Đôi mắt, anh cũng viết như vậy: “Người nhà quê dẫu sao thì cũng còn là một cái bí mật đối với chúng ta. Tôi gần gũi họ rất nhiều. Tôi đã gần như thất vọng vì thấy họ phần đông dốt nát, nheo nhếch, nhát sợ, nhịn nhục một cách đáng thương (…) Nhưng đến hồi Tổng khởi nghĩa thì tôi đã ngã ngửa người. Té ra người nông dân nước mình vẫn có thể làm cách mạng hăng hái lắm. Tôi đã theo họ đi đánh phủ. Tôi đã gặp họ trong mặt trận Nam Trung bộ. Vô số anh răng đen, mắt toét, gọi lựu đạn là “nựu đạn”, hát Tiến quân ca như người buồn ngủ cầu kinh mà lúc ra trận thì xung phong can đảm lắm…”
Như vậy, nhờ thực sự tham gia cách mạng, sát cánh với nhân dân, Nam Cao đã có được đôi mắt mới để thấy quần chúng không chỉ là nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh mà còn là những con người cải tạo hoàn cảnh, tức là những anh hùng. Những con người mới ấy sẽ đi vào văn học như là những nhân vật trung tâm. Đôi mắt chưa xây dựng được nhân vật ấy, nhưng đã chỉ ra phương hướng đi tìm nhân vật ấy và chừng mực nào, đã nói lên cách thể hiện nhân vật ấy: đó không phải là những con người phi thường trong trí tưởng tượng lãng mạn, mà là những con người có thật rất đỗi nhũn nhặn ở quanh ta. Những con người áo vải, răng đen, đi chân đất, gọi lựu đạn là “nựu đạn”, nhưng đã đứng dậy làm cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại và sau đó gánh cả cuộc kháng chiến lên đôi vai vững chải của mình. Phải, Đôi mắt chưa tạo ra được nhân vật ấy, nhưng đã dự báo sự xuất hiện phổ biến của nhân vật ấy trong nền văn học chúng ta.