Phân tích Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí M
nghĩa quật đổ những ngai vàng mà cuối cùng là của vương triều nhà Nguyễn mục nát. Bảo Đại buộc phải thoái vị để làm một người nông dân.
Chủ nghĩa anh hùng đó đã "đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay "bằng gươm súng, bằng máu xương của những Trương Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám và của những chiến sỹ vô sản bất khuất kiên cường.
"Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị". Một câu trong những câu hiếm của văn chương, cô đúc bao sự kiện lịch sử.
Cảnh về chiều của các tầng lớp thống trị thật buồn, mà những động tác gợi ra ở những điên viên lịch sử trên sân khấu Việt Nam thì thật ngoạn mục. Một kẻ chạy thục mạng đâm đầu xuống hố diệt vong. Một kẻ giơ tay nhận lấy phận đầu hàng. Một kẻ tụt từ trên ngai xuống, hai tay run rẩy nộp ấn, kiếm.
Động từ từ nhanh đến chậm. Nhịp câu văn từ nhanh, chậm lại, rồi ngừng như một chuyến tàu vét lịch sử lao từ xa tới, chậm lại để ngừng vĩnh viễn.
Ách thực dân, họa phát xít, tệ quân quyền, những rác rưởi ấy bị quét sạch, dọn chỗ đón một quốc gia mới, một chế độ mới. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời.
Những lẽ phải không ai chống cãi được, những lẽ phải mà Đồng minh đã công nhận trong các văn kiện còn chưa ráo mực ở hội nghị quốc tế Tê-hê-ran và Cự Kim Sơn, những hành động gan góc mấy năm qua cũng nhằm mục tiêu như Đồng minh: tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, củng cố cái quyền tồn tại của nước Việt Nam mới.
Nhưng trên hết và cơ bản nhất là quyết tâm vững như bàn thạch của cả một dân tộc có bốn nghìn năm bất khuất nói lên qua tiếng nói của vị Chủ tịch đâu tiên của mình: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập".
Ba đoạn cuối của bản tuyên ngôn độc lập là những đoạn văn thép: chất thép của ý chí Hồ Chí Minh, của ý chí Việt Nam.
Chất thép trong lập luận buộc Đồng minh phải công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam, lấy lời của họ để ràng buộc họ. "Chúng tôi tin rằng...". Tin có ý nghĩa tu từ. Mềm đấy, mà rắn đấy. Tin là tỏ vẻ tôn trọng họ, giá định phẩm chất tốt đẹp của họ. Đó là cách buộc họ phải tự trọng, nghĩa là buộc họ không được có sự bất nhất giữa lời nói và việc làm, "Không thể khong công nhận" quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. "Không thể không" hai phủ định nghe vẫn chắc chắn hơn một khẳng định.
Chất thép trong câu tiếp ở cái kết luận tất yếu của một thứ tam đoạn luận độc đáo vì có một vế ẩn mà lại rất rõ. Một dân tộc không chịu khuất phục, đã liên tục chiến đấu chống mọi ách nô lệ Pháp cũng như Nhật, dân tộc đó phải được độc lập. Phe Đồng minh gồm toàn những nước tự do. Một nước đứng về phe Đồng minh, cùng lí tưởng, cùng chiến đấu. Nước đó phải được tự do. Dân tộc đó là dân tộc Việt Nam. Vậy dân tộc Việt Nam phải được độc lập, nước Việt Nam phải được tự do.
Dân tộc, tự do, độc lập. Những từ thiêng liêng đó trở lại cùng với những tính từ gan góc, những trạng ngữ: 80 năm nay, mấy năm nay, những khẳng định: phải được nhưng hùng dũng gõ nhịp trong một điệp khúc của một bài hùng ca đòi quyền sống.
Chất thép trong đoạn cuối cùng là ở tính chất trịnh trọng của bản tuyên bố về một sự thực, về quyết tâm bảo vệ bằng bất cứ giá nào sự thực đó. "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập...Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Mỗi từ, mỗi từ đều có sức nặng và sau đó những lời thề thiêng liêng thét lên từ cửa miệng của một triệu người, trên cái âm vang của làn sóng bốn nghìn năm bất khuất càng thêm vững chắc. Bản tuyên ngôn kết thúc dứt khoát ngoan cường như một lời thách thức. Những kẻ thù của Việt nam mù quáng vì lòng tham, không đủ khôn ngoan sáng suốt lần lượt lao đầu vào chất thép Việt Nam và sẽ nghiệm thấy thấm thía cái ghê gớm trong lời cảnh báo của một Hồ Chí Minh, cảu một Việt Nam dân chủ cộng hòa.
(Lược trích GV Nguyễn Trác)