Tư liệu về tác giả Nguyễn Tuân
nữa. Ấy là một người đàn bà, một thứ đàn bà tồi. Tồi ở chỗ lõa lồ trong câu nói tiếng cười. Tồi ở cái cách phục sức rẻ tiền mà cứ gắng làm ra lộng lẫy cho kỳ được".
Vốn từ vựng ấy, có lúc Nguyễn Tuân dùng để chơi ngông với đời, hoặc để trêu ghẹo thiên hạ và xót xa cho thân mình. Ông tự nhận xét : "Ngôn ngữ của Nguyễn lủng cà lủng củng, dấm dẳn cứ như đấm vào họng. Ðọc lên nghĩa tối quá lời sấm ông trạng. Nguyễn cứ lập ngôn một cách bướng bỉnh vì đời nó ngu thế thì không bướng bỉnh sao được". Từ sau Cách mạng tháng Tám, không còn cực đoan nữa, Nguyễn Tuân dùng ngôn từ như công cụ đắc lực để cất cao lời ngợi ca tổ quốc, ngợi ca nhân dân mình và giáng những đòn thật cay độc vào bản chất tàn bạo của kẻ thù.
IV. KẾT LUẬN :
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân thật xứng đáng ở tầm cỡ nhà văn lớn. Nói đến ông, người ta nghĩ ngay đến một sự nghiệp sáng tác đồ sộ, rất mực tài hoa và độc đáo. Không thể tưởng tượng nổi sẽ lạnh lẽo và tiêu điều tới mức nào nếu đại ngàn văn chương dân tộc thiếu vắng những nghệ sĩ ngôn từ bậc thầy như nhà văn Nguyễn Tuân.
Ðặc biệt, Nguyễn Tuân "lớn" ở cả hai thời kỳ, từ cuộc đời cũ đến cuộc đời mới ; vừa là cây bút nổi bật của xu hướng văn học lãng mạn trước năm 1945 với đủ thứ "tật bệnh điển hình", vừa ở trong hàng ngũ những nhà văn thành tâm chào đón và chân thành đi theo Cách mạng đến cùng. Trong hành trình gian khổ hơn nửa thế kỷ ấy có lúc va vấp, có lúc chênh vênh, cũng có lúc phải tự "lột xác" đớn đau, nhưng nhà văn vẫn luôn giữ vẹn được nhân cách, bản ngã của mình. Cái ngông, suy đến cùng, lại như một giá trị, được đảm bảo bởi sức bền vững của tài hoa và tầm cao tư tưởng nghệ thuật. Trên đỉnh cao sáng tạo vừa chói lòa vinh quang vừa cực kỳ cheo leo hiểm trở, nhà văn phải dốc đến kỳ cùng sức lực để không trở nên nhạt nhẽo, vẫn luôn giữ được nét độc đáo của phong cách nghệ thuật.
Tinh thần tự nguyện dấn thân, bám trụ ở thành trì cái Ðẹp là biểu hiện sinh động của một nhân cách văn hóa lớn. Nhà văn Nguyễn Tuân "đặc Việt Nam" (chữ dùng của Vũ Ngọc Phan) từ quan niệm cho tới thực tế sáng tác. Chất văn hóa như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là cái phần cơ bản nhất làm nên giá trị vĩnh hằng cho văn nghiệp của ông.
Do đó, vẻ đẹp của trang viết Nguyễn Tuân là kết quả tất yếu từ một cách viết mang chiều sâu, bề rộng và tầm cao văn hóa. Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, đặc biệt biểu hiện ở thái độ thành kính trân trọng tiếng mẹ đẻ và các giá trị truyền thống chính là động lực bên trong, thôi thúc nhà văn không ngừng tìm tòi, khơi nguồn vốn cũ và sáng tạo nên giá trị mới. Ông xứng đáng được mệnh danh là "chuyên viên cao cấp tiếng Việt", là "người thợ kim hoàn của chữ" (Ý của Tố Hữu). Trong lâu đài văn chương nghệ thuật dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20, rất dễ nhận ra phần chạm trổ tinh xảo của người nghệ sĩ ngôn từ Nguyễn Tuân.