Tư liệu về tác giả Nguyễn Tuân
tùy bút đã đạt đến đỉnh cao của khả năng ghi nhận và thể hiện đời sống.
- Xét đến cùng, cái duyên riêng không lẫn lộn, không ai bắt chước được của tùy bút Nguyễn Tuân chính ở sự linh hoạt, phong phú đến thần tình của giọng điệu văn chương. Có nhiều chi tiết tưởng rất bình thường nhưng bằng giọng điệu độc đáo, khả năng quan sát sắc sảo, thông minh, hóm hỉnh cộng với hệ thống lý lẽ khúc chiết, những triết lý có chiều sâu - nhà văn đã khiến nó trở nên lung linh kỳ ảo, gợi mở nhiều liên tưởng mới lạ. Giọng điệu của tùy bút Nguyễn Tuân thường là giọng kể. Người dẫn chuyện luôn đóng vai trò quan trọng, trực tiếp tham gia vào câu chuyện và có quan hệ thân mật, tin cậy với các nhân vật khác. Người ấy thường có giọng lịch lãm, đôi khi tỏ ra hoài nghi, đùa bỡn nhưng vẫn đảm bảo độ mãnh liệt của cảm xúc và tầm cao tư tưởng bằng rất nhiều từng trải.
Ðặc điểm nổi bật của giọng điệu tùy bút Nguyễn Tuân chính là sự phong phú, đa thanh, thỏa mãn đến hoàn hảo những sắc thái tình cảm tinh tế nhất. Trong mọi tình huống nhà văn luôn có cách nói phù hợp, không chung chung, tạo được không khí cần thiết cho ý đồ nghệ thuật của mình. Dường như một khi đã bắt đúng giọng thì không còn giản đơn là viết nữa, nhà văn trở thành nghệ sĩ, mặc sức vẫy vùng múa lượn trên đỉnh cao sáng tạo nghệ thuật. Như dòng sông Ðà "vừa hung bạo vừa trữ tình", mạch văn có lúc cuồn cuộn, ầm ào, gân guốc ; có lúc đằm thắm, sâu lắng, thiết tha :
"Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang +++g lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tung rừng lửa, rừng lửa càng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá".
" Con sông Ðà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân".
- Nguyễn Tuân có lối ví von, so sánh thật chính xác, mới lạ ; sự vật được miêu tả trong trường liên tưởng, cảm giác chuyển đổi tinh tế, bất ngờ :
"Nước bể Cô Tô sao chiều nay nó xanh quá quắt đến như vậy ? (...) Cái màu xanh luôn luôn biến đổi của nước bể chiều nay trên biển Cô Tô như là thử thách cái vốn từ vị của mỗi đứa tôi đang nổi gió trong lòng. Biển xanh như gì nhỉ ? Xanh như lá chuối non ? Xanh như lá chuối già ? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng ? Nước biển Cô Tô đang đổi từ vẻ xanh này sang vẻ xanh khác. Nó xanh như cái màu áo Kim Trọng trong tiết Thanh Minh ? Ðúng một phần thôi. Bởi vì con sóng vừa dội lên kia đã gia giảm thêm một chút gì, đã pha biến sang màu khác. Thế thì nước biển xanh như cái vạt áo nước mắt của ông quan Tư Mã nghe đàn tì bà trên con sóng Giang Châu thì có đúng không ? (...) Sóng cứ kế tiếp cái xanh muôn vẻ mới, và nắng chiều luôn luôn thay mầu cho sóng. Mà chữ thì không tài nào tuôn ra kịp với nhịp sóng".
Nhà văn như mê mẩn trong ma lực của ngôn từ và truyền được trọn vẹn đến người đọc chất men say nhiều khi kỳ quái ấy. Nguyễn Tuân có một kho từ vựng hết sức phong phú do cần cù tích lũy cả đời, với lòng yêu say mê tiếng mẹ đẻ. Không chỉ góp nhặt những từ sẵn có, ông còn luôn có ý thức sáng tạo từ và cách dùng từ mới, lạ. Rất nhiều từ ngữ tưởng như đơn nghĩa hoặc cũ mòn, nhưng khi vào tay ông, chợt trở nên dồi dào sức biểu hiện. Hãy xem cách ông dùng hai từ "góa bụa" và "lõa lồ" :
"Hiu quạnh sống trong người mình và chung quanh mình, cái gì cũng gợi đến những ý vắng, lạnh và cũ và mỏi và ngừng hết. Ngồi ăn một mình cả một mâm cơm chiều nay, tự nhiên tôi có cái cảm tưởng gở dại là mình đã trở nên một người góa bụa, hoàn toàn góa bụa. Góa vợ con, thân thích, anh em bạn, góa nhân loại, góa tất cả. Bát cơm và vào miệng, chỉ là những miếng thê lương".
"Mãi đến bây giờ về gần đến Phố, tôi mới nhớ ra trong xe còn có thêm một hành khách