Tinh thần phục hưng trong thơ hồ xuân hương
Xung quanh những bài thơ nôm được truyền tụng của Hồ Xuân Hương, hai luồng ý kiến "khen" và "chê" tồn tại dai dẳng − có lẽ đã từ rất lâu, và có thể đoán rằng ngay từ khi những bài thơ ấy xuất hiện và bắt đầu sống trong trí nhớ của các thế hệ công chúng − có một điểm đụng độ nhau kịch liệt. Ấy là chỗ mà người ta gọi là cái "tục và dâm": Có phải là có cái "tục và dâm" trong những bài thơ ấy? ý nghĩa của nó ra sao?
Luồng ý kiến "chê" đương nhiên khẳng định sự có mặt của cái đó trong những bài thơ ấy, và đấy là căn cứ cho một sự đánh giá phủ định, nhân danh lợi ích của những điều được xem như là thuần phong mỹ tục, là sự giáo hóa đạo đức.
Luồng ý kiến "khen", để có thể tự đứng vững, đã phải viện đến nhiều thứ, nào giá trị sáng tạo ngôn ngữ và hình tượng, nào giá trị trong lĩnh vực văn học trào phúng, v.v… và dường như khá lâu về sau, thời thế mới xui khiến người ta nêu thêm phương diện "chống phong kiến", phương diện thể hiện cái đẹp và sức sống tự nhiên của đời sống con người. Tuy thế những người chia sẻ luồng ý kiến này dường như khó tự thuyết phục trong thâm tâm rằng không hề có yếu tố gọi là "tục và dâm" trong những bài thơ ấy, và từ đây, cái thiện chí của họ đành phải lao vào những phiêu lưu: hoặc là lớn tiếng bảo: dám làm thơ như thế là "đại cách mạng", hoặc là khiêm nhường biện hộ cho từng chữ, từng bài, hoặc nữa, − khiêm nhường hơn nhưng cũng ít hiệu quả hơn, − làm những cuộc kiểm kê, những sự loại trừ (hẳn là với ý đồ "giảm thiểu" cái đã bị coi là tục và dâm) trong một tình hình "văn bản" hầu như rất ít có sở cứ rành rọt.
Thói thường, chính những người có thiện tâm thiện chí, có mẫn cảm đúng lại rất hay đuối lý trong các cuộc đôi co! Thế nhưng, vấn đề là, nếu để cãi lại những người phản bác mình mà lại dùng đúng những cách gọi tên cùng những hàm nghĩa như phía họ đề xuất thì tức là đã vô tình tự đặt mình vào thế bị động! Đã mặc nhiên thừa nhận việc gọi những chuyện kia trong những bài thơ ấy là "tục và dâm" theo hàm nghĩa tiêu cực, theo đánh giá phủ định (coi đó là xấu, là có hại ít nhiều) thì khó lòng gỡ ra được.
2/ Trong những bài thơ được truyền tụng của Hồ Xuân Hương chứa đựng những gì khiến người ta gọi là "tục và dâm"? Phải chăng là việc mô tả − trực tiếp hoặc ám chỉ, từ nghĩa đen hoặc thông qua nghĩa bóng − hoạt động giao hoan nam nữ, bộ phận sinh dục của cả hai phía, nhất là "cái giống" của người đàn bà? Tựu trung, có lẽ là như vậy. Và dù với một mỹ cảm siêu thoát đến đâu cũng không thể thành thực để có thể phủ nhận sự hiện diện của những cái đó ở phần di sản đáng giá nhất của nữ thi sĩ họ Hồ.
Trong cách đọc của người bản ngữ (và là người lớn, người trưởng thành) thì những "con cò mấp máy suốt đêm thâu", "một suốt đâm ngang thích thích mau" (Dệt cửi), những cành thông "lắt lẻo" trong "cơn gió lốc", thậm chí cả những chày kình ("chày kình tiểu để suông không đấm") và cán cân tạo hóa (”cán cân tạo hóa rơi đâu mất") ở những ngữ cảnh cụ thể của từng bài thơ, đều ám chỉ cái "của quý" ở thân thể kẻ nam nhi. Cũng như vậy, không cần đợi đến những mô tả trực tiếp một cô gái đang nằm ngủ "lược trúc chải cài trên mái tóc / yếm đào trễ xuống dưới nương long / đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm / một lạch đào nguyên suối chửa thông"; không cần đợi đến những tiếng lóng dân gian goi bộ phận kia là "vông hay trốc", "cuống với đầu", người ta (người bản ngữ) nhận ngay ra sự ám chỉ cái "tỉnh tình tinh" trên cơ thể người đàn bà (ca dao: người dòn cái tỉnh tình tinh cũng dòn!) qua những câu thơ về cái quạt "một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa /…/ chành ra ba góc da còn thiếu / khép lại đôi bên thịt vẫn thừa", về một quả mít "da nó sù sì múi nó dầy", về cái bánh trôi nước "thân (em) vừa trắng lại vừa tròn", về cái giếng nước "cầu trắng phau phau đôi ván ghép / nước trong leo lẻo một dòng thông / cỏ gà lún phún leo quanh mép / cá diếc le te lách giữa dòng", về mặt trăng "giữa in chiếc bích khuôn còn méo / ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm", và đặc biệt là những bài thơ về hang động! Không phải chỉ có từ "hang hầm" đầy ẩn ý được