Tinh thần phục hưng trong thơ hồ xuân hương
Hồ Xuân Hương đã làm sống lại trong văn học tiếng Việt − văn học thành văn ở giai đoạn cổ điển của nó − cả một truyền thống văn hóa phồn thực hùng hậu. Văn hóa này đã hình thành từ rất lâu và sống rất bền vững trong đời sống dân gian, nhưng rất khó thâm nhập vào văn học thành văn, nơi mà các thế hệ tác giả lần lượt là tăng lữ rồi đến nho sĩ. Phật giáo đến từ phương Bắc và Nho giáo của chính phương Bắc đến với văn học thành văn của người Việt ngay từ buổi đầu hình thành qua suốt mấy thế kỷ đã luyện cho văn học này những phương thức, những chất liệu, những mỹ cảm đậm màu khắc dục, hướng về những vẻ đẹp siêu thoát, cao khiết. Trong khi đó, nằm ngoài văn chương của tăng lữ và nho sĩ, ở đời sống dân gian vẫn tồn tại từng mảng hoặc từng yếu tố của văn hóa phồn thực, thậm chí cả nghi lễ phồn thực cổ xưa.
Có vẻ như không ít tác giả của văn học thành văn đã từng sống một cuộc sống hai mặt trong văn hóa: trở về những giao tiếp và sinh hoạt thông tục thì họ − giống như chàng Chiêu Hổ bạn của Xuân Hương − cũng sống với những tập quán suồng sã quen thuộc của nó, nhưng hễ trở lại trước án thư để làm văn chương một cách nghiêm túc thì tinh thần suồng sã biến mất, tinh thần khắc dục lại ngự trị. Nói cho đúng, giữa hai tâm thế nêu trên hẳn đã có cả một cuộc vật lộn, thâm nhập và loại trừ nhau dai dẳng mà kết quả là hình thành những đặc tính dân tộc trong văn học thành văn của người Việt. Nhưng cho đến trước thời Hồ Xuân Hương (và sau bà rất lâu nữa, thậm chí đến thời chúng ta) văn học thành văn của người Việt vẫn thiên về những vẻ đẹp siêu thoát, thanh cao, khắc dục.(2) Nhiều tác giả đương thời bà đã làm mềm đi những màu vẻ khắc dục ấy, đem nhu cầu yêu đương đôi lứa, đem chuyện tình yêu làm đề tài và nội dung văn học. Hồ Xuân Hương, quyết liệt hơn, đã đem cả những phương tiện, chất liệu và tinh thần của văn hóa phồn thực vào văn học, giải phóng văn học khỏi xu hướng khắc dục. Đây là một phương diện quan trọng của tình thần phục hưng trong thơ Hồ Xuân Hương. Bản thân việc thơ của bà − trong số đó có những bài thơ hai nghĩa ám chỉ "cái ấy", "chuyện ấy" − được nhiều thế hệ công chúng thích thú và truyền tụng cũng chứng tỏ các yếu tố của văn hóa phồn thực cổ xưa vẫn còn sống trong ký ức văn hóa và nhu cầu văn hóa của người Việt thời nay.
4/ Phương thức ám chỉ "chuyện ấy" bằng cách tận dụng các lối nói lái, nói lỡm hoặc bằng cách tạo ra những hình tượng ẩn dụ (ví ngầm, gợi ngầm) rõ ràng là có liên hệ trực tiếp với hàng loạt những hiện tượng ngôn ngữ trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt: các trò nói lái, nói ngoa, chửi thề, sỉ mắng, nguyền rủa. Cả loạt những hiện tượng này tiếc rằng cho đến hiện nay vẫn còn chưa được nghiên cứu như một loạt hình văn hóa-lịch sử. Trong các hình thức giao tiếp của xã hội văn minh hiện đại, nói tục, chửi thề là bất lịch sự, là thiếu văn hóa. Nhưng nếu một ai đó có cái ý định loại trừ triệt để các hiện tượng này khỏi cửa miệng và trí nhớ của những người bản ngữ thuộc mọi dân tộc thì đó sẽ là một ảo tưởng thuần túy. Không phải chỉ ngoài vỉa hè, đầu đường xó chợ mới nghe thấy loại ngôn ngữ này, ngay những người nghiêm túc, văn hóa cao cũng biết nói thậm chí thích nói bằng ngôn ngữ đó, trong những khung cảnh nhất định.(3) Nghĩa là, hệ ngữ vựng nói tục chửi thề vẫn có một sức sống nào đấy, ứng với một trạng thái tâm sinh lý nào đấy, một ngữ cảnh giao tiếp-phát ngôn nào đấy, và liên quan đến một "ký ức văn hóa di truyền" nào đấy ở con người hiện đại. Nhưng cả một hệ từ vựng không hề nghèo nàn của nó đã có từ xa xưa là gắn với những loại hình sinh hoạt văn hóa nào, chức năng và đặc tính, giá trị hàm nghĩa của chúng ra sao, v.v. và v.v. − chúng ta còn chưa được biết. Có thể phỏng đoán rằng nguyền rủa, chửi mắng là những hành vi của nghi lễ sử thi cổ xưa, có chắc năng ma thuật, thần chú, nhằm biểu thị cái ý chí khu trừ sức tác động của những thế lực nhất định, hữu hình hay siêu hình. Nói tục tức là nói những từ (từ bản địa, từ "nôm") trỏ các bộ phận ở phần dưới thân thể − cơ quan sinh dục và các bộ phận gắn với các