Phân tích Chiếu cầu hiền
Văn bản Chiếu cầu hiền có 6 đoạn với bố cục ba phần: đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết-đây là bố cục quen thuộc của một văn bản nghị luận ( Phần một: đoạn 1; Phần 2: đoạn 2, 3, 4, 5; Phần 3: đoạn 6). Phân tích mỗi đoạn như thế sẽ có một ý nghĩa riêng. Những ý nghĩa đó vẫn còn mang giá trị đời sống sâu sắc dù văn bản chỉ là chứng tích của “một thời vang bóng”. Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là đi tìm mối liên hệ về mặt ý nghĩa của văn bản với cuộc sống hiện đại hôm nay mà không làm xã hội hoá một tác phẩm văn học hay và đẹp. Tôi đã nói với học sinh của mình rằng trên con đường khám phá cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn chương, nếu đi đến tận cùng ta sẽ gặp được cuộc sống của chính ta trong đó. Và tất nhiên con đường tối ưu để đến được với những giá trị tận cùng đó là tiếp cận tác phẩm từ đặc trưng thể loại. Với Chiếu cầu hiền, chúng ta bắt đầu từ những đặc sắc nghệ thuật của một văn bản chính luận.
Thành công nhất về mặt nghệ thuật của tác phẩm này có lẽ là ở nghệ thuật lập luận với những lí lẽ rất chặt chẽ, sắc sảo và lập trường chính trị vững vàng của tác giả. Ngô Thì Nhậm vốn là một sĩ phu Bắc Hà, nay lại thay mặt vua Quang Trung kêu gọi sự nhập cuộc của các sĩ phu Bắc Hà – những trí thức của triều đại Lê – Trịnh đã bị nhà Tây Sơn lật đổ. Điều đó thật khó vô cùng ! Thế nhưng trong mỗi câu, mỗi đoạn, mỗi phần của Chiếu cầu hiền ta thấy được rằng Ngô Thì Nhậm đã vượt qua được những trở ngại đầy khó khăn đó ! Giá trị thuyết phục của văn bản cũng đã vượt ra khỏi giới hạn của một thời đại cụ thể ấy.
1. Phần một (đoạn 1):
Đoạn văn mở đầu văn bản được trình bày bằng thao tác so sánh với hai lập luận:
-Lập luận 1: “ Người hiền như ngôi sao sáng trên trời, sao sáng hướng về ngôi Bắc Thần”, suy ra “người hiền là sứ giả cho thiên tử’.
-Lập luận 2: Sao che mất ánh sáng thì sẽ mất đi vẻ đẹp, người hiền mà không đem tài ra dùng là trái mệnh trời.
Chung quy lại, mọi lập luận đều để khẳng định một điều: sao muốn đẹp phải tỏa sáng, người hiền tài muốn được công nhận phải cống hiến tài năng đó cho nước, cho đời. Bằng cách này Ngô Thì Nhậm muốn nhắn gửi đến người hiền tài sứ mệnh của chính họ. Nhận thức đúng sứ mệnh này rồi, thì tự họ ắt biết sẽ phải làm gì. Nghệ thuật thuyết phục tế nhị mà thật sắc sảo !
Hiền tài ngày xưa là thế, hiền tài ngày nay thì sao? Mở rộng vấn đề, hôm nay không chỉ người học rộng tài cao mới có sứ mệnh của người hiền tài mà tất cả mọi người có năng lực đều cần phải biết rõ mình nên làm gì. Một cá nhân tồn tại khép kín, rụt rè, nhút nhát hoặc là ích kỉ, tự phụ …thì khó mà khẳng định được vị thế của mình trong xã hội. Vì thế người hiền không thể hiện tài năng giúp ích cho đời không thể gọi là người hiền. Nên chăng từ đây chúng ta hãy tự rút ra cho mình một bài học về cách sống ở đời đó là cách sống tự tin, bản lĩnh và cống hiến hết mọi khả năng của mình. Đó mới là ý nghĩa của cuộc sống con người.
2. Phần hai(đoạn 2, 3,4,5).
Phần hai của văn bản gồm có bốn đoạn, trong đó đoạn thứ hai như là một điểm tựa để tác giả bẩy đoạn 3,4,5 lên cao nhằm thực hiện mục đích thuyết phục, kêu gọi hiền tài ra giúp vua, giúp nước. Điểm tựa ấy bắt nguồn từ những sự việc của quá khứ gần: “Trước đây thời thế suy vi”. Thời thế suy vi là thời nào? Tại sao đó lại là thời suy vi? Đặt câu hỏi này sẽ đưa người đọc ngược dòng lịch sử, trở về với mạt thời Lê Trịnh bệ rạc, thối nát. Hiền tài như ngôi sao bị che khuất, không được trọng dụng, tôn kính. Vì thế cách hành xử tích cực nhất của họ lúc này là giữ gìn lấy khí tiết trong sạch của một nhà nho chân chính bằng cách trốn tránh, ẩn dật hoặc là dè dặt, giữ mình ở chốn quan trường. Thời thế không cho phép họ tự thể hiện mình chứ không phải là họ tự vùi lấp mình.
Đọc-hiểu đoạn văn này, chúng ta không chỉ biết đồng cảm với cách ửng xử của các hiền tài trước đây mà còn biết học ở Ngô Thì Nhậm cách nhìn nhận, đánh giá con người. Tại sao đoạn một, tác giả khẳng định sứ mệnh của người hiền tài như thế mà ở đoạn hai, tác giả lại có vẻ ủng hộ cách ửng xử của họ trong mạt