Đôi điều về quan niệm văn học của Cao Bá Quát
được sao chép, vay mượn, đồ lại của người khác.
Ông chủ trương làm thơ tự nhiên, không đẽo gọt. Trong bài thơ Đúng là mưa giục thơ, ông hình dung trận mưa gợi cho ông từ ý tứ tới nhịp điệu, ngôn ngữ: Đầy trời mưa đúng lúc - Giúp ta có hứng ngâm - Chèo thuyền giục tay bút - Đối khách thơ mới ra - Tinh thần tràn mặt giấy - Tí tách vó ngựa phi - Ngân hà tranh rửa bút - Tầm sét mượn tu từ - Khạc lời nghĩ theo gió - Ngọc nẩy kết ý hay - Rào rào tiếng vang dội - Lời chọn thấm đẫm tình - Chắc sớm tìm li châu - Chỉ sợ nâng chén muộn - Trong mắt chẳng ai hơn - Chỉ mơ màng ông Đỗ(6). Trong khi làm thơ các yếu tố của mưa đều gợi ra các khâu của việc làm thơ, chẳng hạn chèo thuyền gợi tay đưa bút nhẹ, nước chảy gợi tinh thần lai láng, tiếng tí tách gõ song gợi nhịp thơ như ngựa chạy, gió thổi như phóng tưởng, tầm sét ví như chọn lựa lời thơ, mưa thấm ướt ví như lời thấm thía. Nhà thơ để lòng hư không để cho tự nhiên vận hành trong tâm hồn. Bài thơ thể hiện “thi pháp tự nhiên”, nghĩa là thơ học theo phép của tự nhiên.
Có lẽ do quan niệm thơ chân thành, tự nhiên, có cá tính sáng tạo, phản đối bắt chước mà Cao Bá Quát có cách lựa chọn hình thức thơ cho mình. Thơ tiếng Việt ông thích thể hát nói, thơ chữ Hán ông thích thơ ca, hành, cổ phong, những thể thơ tự do, ít làm thơ luật. Đây là điểm có khác Nguyễn Du. Thơ chữ Hán Nguyễn Du có 249 bài, trong đó có 22 bài ca hành, cổ phong, bằng 8,8%, trong khi đó thơ chữ Hán của Cao Bá Quát (Toàn tập, tập 1) có 418 bài, trong đó có 77 bài cổ phong, ca hành, tương đương 18,4%, nhiều hơn gấp đôi.
Có thể khẳng định rằng, mặc dù quan niệm hoài nghi văn chương chữ Nôm đã hạn chế sáng tác thơ Nôm của nhà thơ, song quan niệm thích tự do, trọng cá tính sáng tạo là nhân tố cơ bản làm nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật của thơ Cao Bá Quát.