Người bà đáng kính của tôi...
Trong đám tang, có những điều mà lần đầu tiên tôi mới được biết về người Bà kính yêu của mình. Bà tôi là một nông dân, tích cực hoạt động sản xuất và xã hội. Ông ngoại tôi mất từ lúc còn rất trẻ, tôi được biết là khi bà tôi mới ngoài 30. Với ba người con, giấu đi nỗi đau góa bụa, Bà tôi vẫn hoạt động sản xuất và tham gia nhiều hoạt động khác ở vùng Đức Phổ, Quảng Ngãi, một vùng đất nghèo, chỉ nổi tiếng với những bãi cát trắng trải dài và nồi cháo kê thanh đạm. Vùng quê ấy khó khăn lắm, vất vả lắm nhất là sau một thời kỳ dài chiến tranh.
Năm 1955, Bà tôi dắt theo ba người con, hai ông cậu và má tôi, tập kết ra Bắc. Tôi được kể lại rằng Bà tôi từng xin làm việc ở các khu vực Hải Phòng, rồi Quảng Ninh, là những nơi gần chỗ các con học tập để có thể trợ giúp khi cần. Cuộc sống tập thể của những người tha hương trong chiến tranh gặp nhiều vất vả và khó khăn. Nhưng nghị lực thép trong người con của miền Trung quả cảm đã cùng Bà tôi vượt qua những năm tháng ấy.
Lúc chiến tranh leo thang, máy bay B52 rải thảm miền Bắc, tôi được gửi theo Bà ra tận vùng biên Móng Cái. Nghe rất nhiều cái địa danh ấy mà chưa một lần được đến tận nơi. Nơi địa đầu tổ quốc Việt Nam, qua một dòng Kalong nhỏ là sang bên kia địa phận Trung Quốc.
Lúc nhỏ, thể chất oặt oẹo (nghe má tôi kể lại), nếu tôi không có Bà chăm sóc, chắc đã lâm rất nhiều trọng bệnh. Phụ trách một nhà trẻ ở đó, Bà tôi bận như con mọn. Tôi được Bà địu trên lưng, khi làm việc, lúc nấu ăn... cho nhà trẻ.
Với các con, Bà tôi cũng nuôi dậy hết mình. Những năm tháng khó khăn, việc học hành là chuyện lớn của tất cả các gia đình. Bà tôi đã hoàn thành trách nhiệm của một người mẹ, và cả của người cha trong gia đình, một cách thầm lặng mà vĩ đại biết bao. Ông Bác cả của tôi là một trong những giáo sư vật lý hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, cùng thời kỳ oanh liệt của khoa học Việt Nam với những giáo sư tên tuổi như Nguyễn Đình Tứ (đã qua đời, khi sinh thời là bạn thân), Nguyễn Văn Hiệu, v.v.. Bác tôi, tiến sĩ khoa học tại Liên Xô (cũ) là một trong những người làm nên ngành vật lý nguyên tử-hạt nhân Việt Nam. Ông hiện vẫn là giáo sư tại ĐH Khoa học Tự nhiên -- ĐHQG Hà Nội.
Ông cậu út (em của má tôi) cũng là một trong những giáo sư đầu ngành về thiết kế vỏ tầu. Ông đạt học vị tiến sỹ khoa học ở Ba Lan, một trong những nước anh em đã giúp đào tạo đáng kể đội ngũ cán bộ ngành hàng hải cho Việt Nam. Đến giờ, ông vẫn là giáo sư ở TP.HCM, trước đó có kinh qua một số chức vụ quản lý như giám đốc công ty giàn khoan-tàu biển ở phía Nam.
Má tôi, thiệt thòi hơn (con gái trong xã hội thời cũ) cũng đã phấn đấu miệt mài suốt những năm chiến tranh, thuộc nhóm những kỹ sư bách khoa Hà nội đầu tiên. Sau này, má tôi là một trong những kỹ sư đầu tiên góp móng xây dựng Đài truyền hình Trung ương.
Tôi tin chắc, bất cứ ai như Bà tôi đều có thể và có quyền tự hào đã nuôi dậy được những người con trưởng thành trong thời khắc khó khăn nhất của lịch sử đất nước, cũng như của một gia đình.